Game thủ sẽ được trải nghiệm về đồ họa trước cả khi được biết về gameplay thông qua các đoạn trailer và cắt cảnh (cutscene) trong game. Dù biết là vậy, nhưng có một “nghịch lý” là không ít tựa game bom tấn AAA lại có chất lượng đồ họa chẳng đâu vào đâu, cứ như là họ chẳng thèm quan tâm gì đến khía cạnh này vậy.
Chất lượng đồ họa xấu có thể là do trong trailer cố tình làm đẹp để thu hút người chơi (rồi bản chính thức bị downgrade thậm tệ), do một vài yếu tố thị giác bị mất cân đối, hoặc đơn giản là do nhà phát triển không biết tận dụng nguồn tiền mà mình có để tạo ra game có chất lượng đồ họa nhìn cho “ra hồn”. Và cũng vì thế mà giá trị của game bị giảm xuống, và nếu là game AAA thì còn tai hại hơn nữa. Sau đây là danh sách 8 tựa game đình đám nhưng đồ họa lại xấu đến mức ma chê quỷ hờn.
Shenmue III
Shenmue III không phải là game có ngân sách lớn như của Rockstar hay Naughty Dogs, nhưng đối với một tựa game gây quỹ từ cộng đồng (crowdfunding) thì ngân sách của nó rất là lớn. Cụ thể, tựa game này đã nhận được số tiền lên đến 7 triệu đô, trở thành tựa game trên Kickstarter nhận được số tiền gây quỹ nhiều nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Điều này cũng tương tự như hồi Shenmue ra mắt; tại thời điểm đó thì Shenmue là tựa game tốn nhiều kinh phí nhất để phát triển. Sau khi nhận thêm viện tợ từ Sony và Deep Silver, Shenmue III cuối cùng cũng ra mắt sau 18 năm ròng rã.
Tuy nhiên, kết quả lại không được như mọi người mong đợi. Cơ chế điều khiển trong game thì khá cồng kềnh, còn animation thì cũ mèm, nói chung là một sự “xúc phạm” đối với công nghệ đồ họa hiện tại. Shenmue III kiểu “nửa nạc nửa mỡ”, cũ cũng không cũ mà mới cũng không hẳn là mới, khiến trải nghiệm của game thủ chẳng dễ chịu chút nào. Đáng lẽ ra phần 3 nên nối gót phần trước, làm cho nó nhìn giống kiểu retro hoài cổ hẳn luôn, thay vì là cố gắng làm cho game nhìn cho giống tân thời để rồi thất bại ê chề.
The Amazing Spider-Man 2
Đúng như tên gọi của nó, The Amazing Spider-Man 2 đã làm được một điều rất đáng kinh ngạc: cả 2 phiên bản trên 2 thế hệ console đều xấu đều như nhau. Phiên bản trên Xbox 360, PS3 và Xbox One, PS4 đều có chất lượng đồ họa rất tệ và chả có gì nổi bật, đã thế gameplay cũng không có điểm sáng nào luôn.
Thành phố New York trong hai phiên bản “át chủ bài” là PS4 và Xbox One nhìn ngóc ngách, tòa nhà nào nào cũng giống nhau, cũng vô hồn, không có yếu tố nào nổi bật. Chất lượng hình ảnh có nhân vật trong game phải nói là thảm họa, đó là chưa kể mô hình nhân vật (character model) thường xuất hiện bất ngờ (pop-up) mỗi khi Người Nhện dạo một vòng thành phố. Hệ máy mới đã như thế, hệ máy cũ PS3 và Xbox 360 thì thôi rồi, cứ như là một trò hề.
Mặc dù ra mắt vào năm 2014 nhưng nhìn đồ họa bảo đảm bạn sẽ nghĩ là game này ra mắt đâu đó vào khoảng năm 2007, tức là thời của PS2 ấy. Chất lượng ánh sáng thì tệ, các tòa nhà thì nhìn như cái hộp như trong Spider-Man 2 (2004), chất lượng bề mặt (texture) cũng không thể xấu hơn được. Không thể nào tin rằng đây là một tựa game ra mắt nhiều năm sau những bom tấn như Far Cry 3 hay series Uncharted. Far Cry 4 với Alien: Isolation ra mắt cùng năm khi được chuyển (port) sang thế hệ cũ nhìn còn đẹp hơn gấp ngàn lần.
WWE 2K20
WWE 2K20 phải nói là một thảm họa bởi rất nhiều lý do. Đây là một trong những tựa game có màn chào sân thảm hại nhất trong thời gian gần đây. Nó bị vướng rất nhiều lỗi ngớ ngẩn khiến game thủ chả thể nào chơi được, gameplay thì nhạt như nước ốc, còn hệ thống nâng cấp nhân vật thì rất là cồng kềnh. Nó là một phiên bản downgrade về mọi mặt so với tiền nhiệm; đã thế, chất lượng đồ họa cũng chả vớt vát được gì cho game này. Sự khác biệt về hình ảnh giữa 2K19 và 2K20 là như ngày và đêm, với 2K19 vượt trội hơn hẳn.
Mô hình nhân vật (character model) mặc dù nhìn khá là ấn tượng và chân thật trong 2 phần trước, chả hiểu sao đến phần này lại nhìn như bức tượng sáp, giống như là đang chơi game trên hệ máy PS3 vậy (mặc dù đang chơi bằng mày PS4 với phần cứng xịn sò). Nó xấu đến nỗi game thủ không thể ngờ rằng nhà phát triển lại có “tài năng” làm được đến như thế. Sau đó thì chất lượng đồ họa cũng đã được cải thiện chút đỉnh, nhưng đôi lúc combo copy & paste huyền thoại vẫn tốt hơn là làm một cái gì đó mới mẻ anh em nhỉ.
L.A. Noire
Bên cạnh những vấn đề về gameplay thì L.A. Noire còn có vấn đề khác về đồ họa. Không phải là nó xấu hay gì mà là chất lượng đồ họa trong game thiếu sự đồng đều. Game được quảng bá là sử dụng công nghệ MotionScan tiên tiến, giúp ghi nhận những biểu cảm trên khuôn mặt diễn viên bằng 32 camera với tốc độ lên đến 1000 fps trong cùng một lúc. Kết quả cho được là vô cùng kinh ngạc và chi tiết, ăn đứt hàng loạt tựa game AAA cùng thời.
Tuy nhiên, có lẽ Rockstar lỡ vung tay “đập” tiền vô 32 camera thần thánh kia hết nên phần còn lại của nhân vật nhìn xấu đau xấu đớn. Thậm chí, khi so với game cùng thời như Red Dead Redemption thì bạn sẽ thấy rõ rằng phần quần áo và chi tiết cơ thể nhìn rất là cứng, không tự nhiên chút nào cả. Texture của quần áo rất ít chi tiết, khiến cho các nhân vật nhìn giống như là một con búp bê bằng nhựa hơn là con người. Và khi bạn ghép phần cơ thể như thế với phần đầu nhìn y như thật thì cũng biết rồi đấy, nó chẳng ăn nhập gì với nhau cả, nếu không muốn nói là cảm giác như “đầu lìa khỏi người”.
Far Cry Vengeance
Trước khi được Ubisoft mua lại thì Far Cry là tựa game trứ danh được xây dựng dựa trên CryEngine của Crytek. Vào thời đó, đồ họa trong Far Cry nhìn rất hoành tráng và giống thật, thảm thực vật trong game cũng rất là tươi tốt, còn khung cảnh thì nhìn rất là ấn tượng. Với phiên bản Xbox là Instincts và Evolution thì chất lượng đồ họa cảm giảm đi đôi chút do chuyển sang console, nhưng nhìn chung thì vẫn rất đẹp và còn được cho là đi trước thời đại.
Tuy nhiên, đến phiên bản Far Cry Vengeance (2006) ra mắt trên hệ máy Wii thì câu chuyện lại không được như thế. Mô hình nhân vật (character model) nhìn rất kém chất lượng và animation thì cũng rất tệ, môi trường trong game cũng “nhạt nhẽo” không thua gì. Nếu nói đây là game trên hệ máy N64 (ra mắt năm 1996) có khi cũng có người tin sái cổ ấy chứ. Turok: Dinosaur Hunter – một tựa game ra mắt trước đó 10 năm – nhìn chả thua gì Far Cry Vengeance. Đồng ý rằng Wii có cấu hình yếu, nhưng lý do này chả chính đáng gì cả vì The Legend Of Zelda: Twilight Princess ra mắt trong cùng năm đó nhìn vô cùng mãn nhãn.
Pac-Man (Atari 2600)
Atari 2600 là một chiếc máy console ra mắt vào năm 1977 (Bắc Mỹ), và đến đây thì anh em sẽ nghĩ rằng với chiếc máy cổ lỗ sĩ như thế này mà cũng có game đồ họa xấu nữa à? Đúng là Atari 2600 có phần cứng không mấy “xịn sò” cho lắm, nhưng những tựa game như Solaris và California Games nhìn vẫn rất là ổn, rất là ôkê. Vì thế nên khi tựa game Pac-Man huyền thoại được đem lên hệ máy này thì phải nói là hỡi ôi. Với rất nhiều đơn hàng đặt mua và chiến dịch marketing đắt tiền thì đội ngũ phát triển game đã dự đoán rằng người chơi sẽ thích nó bởi vì gameplay nhiều hơn là chất lượng đồ họa.
Nhưng không, những ai đã từng chơi qua Pac-Man sẽ rất ấn tượng không chỉ với cơ chế gameplay mà còn với đồ họa ưa nhìn của nó. Nhưng với phiên bản trên Atari 2600 thì thật sự là một thảm họa: Pac-Man nhìn chả giống gì với phiên bản trên điện tử thùng, còn mấy con ma (Ghost) trong game thì cứ chớp liên tục nhìn nhức cả mắt, khiến game thủ phải lắc đầu ngao ngán. Nói chung là một thảm họa các bạn ạ.
Aliens: Colonial Marines
Aliens: Colonial Marines là một trong những tựa game đầy tai tiếng của thế hệ console Xbox 360 và PS3. Lúc ra mắt thì nó thất bại thảm hại, đã thế còn có nhiều lời đồn cho là Gearbox Software quản lý nhân sự kém nên mới thành ra cớ sự như vậy. Thậm chí studio còn bị kiện vì quảng cáo sai sự thật, so với bản demo trước đó thì chất lượng ăn đứt luôn.
Khi mở game lên chơi thì bạn sẽ ngay lập tức nhận ra một điều rằng đây là phiên bản downgrade so với những gì được quảng bá trước đó. Và bên cạnh gameplay nghèo nàn, AI thảm hại, thì chất lượng đồ họa của Aliens: Colonial Marines cũng rất chi là “í ẹ”. Tốc độ khung hình thì cứ cà giật cà giật, màn chơi thì cứ u ám và lặp đi lặp lại, mô hình nhân vật (character model) thì lỗi thời, còn animation thì nhìn rất là xịn nếu game này ra mắt vào khoảng năm 2005 (đây cũng là lúc game bắt đầu được phát triển).
Game này được “ngâm” rất lâu, và nếu so với những bom tấn ra mắt cùng thời điểm như The Last Of Us hay bản Tomb Raider reboot thì phải nói chất lượng đồ họa trong Aliens: Colonial Marineslà không thể chấp nhận được.
Mass Effect: Andromeda
Dòng game Mass Effect tuy được đánh gia cao về mặt gameplay nhập vai, nhưng về mặt đồ họa, nhất là mô hình nhân vật (character model) thì đây không phải là thế mạnh, nếu không muốn nói là nhìn có phần… vô hồn. Tuy nhiên, trong 3 phần đầu tiên thì nó bù trừ cho điều này với gameplay tuyệt vời, cốt truyện thu hút, và thiết kế môi trường rất chi là hoành tráng. Riêng phần 3 có hơi “chệch hướng” so với series một chút, nhưng nhìn chung thì vẫn rất là “ổn áp”. 5 năm sau phần 3, Mass Effect: Andromeda ra đời, kéo theo đó là sự hồ hởi và ngóng trông của hàng ngàn fan hâm mộ. Nhưng khi game thủ mở game lên chơi thì ôi thôi, thảm họa các bạn ạ.
Game bị rất nhiều lỗi về đồ họa. Mặc dù môi trường và khung cảnh trong game nhìn rất là hớp hồn, phần mô hình nhân vật và animation lại không được chăm chút kỹ lưỡng như thế. Bằng một cách nào đó mà nhiều lúc game nhìn còn tệ hơn cả bản gốc hồi năm 2007, biểu cảm và cử chỉ trên khuôn mặt gần như là biến mất hoàn toàn, đã vậy nhép môi còn chả khớp gì với câu thoại nữa. Đó là chưa kể nhân vật còn trừng mắt nhìn nhau như người vô hồn, cứ như là một bức tượng sáp vậy. Điều đáng buồn nhất là gameplay lại rất là ổn. Mặc dù không đột phá hay nhảy vọt gì so với phần trước nhưng quả là đáng tiếc khi nó bị là phai mờ bởi chất lượng đồ họa phải nói là xấu kinh hoàng.
Nguồn: What Culture biên dịch Gearvn