Top 10 tựa game trở thành huyền thoại nhờ phá vỡ mọi quy luật (P.2)

0
0

Sau nhiều năm làm game thì các công ty lớn sẽ có đầy đủ thông tin để biết trò chơi nào sẽ thành công, trò nào “thất bại”… và từ đó phát triển game bám theo thị hiếu của người chơi.

Nhưng bên cạnh đó, cũng có những hãng game không đi theo xu hướng mà quyết định rẽ lối đi riêng, sẵn sàng phá bỏ sự rập khuôn để mang đến cho anh em những tựa game đỉnh cao đầy sáng tạo. Trong phần trước chúng ta đã tìm hiểu 5 cái tên nổi bật trong top 10 tựa game trở thành huyền thoại nhờ phá vỡ mọi quy luật. Giờ thì tiếp tục thôi nào!

Spec Ops: The Line

Tựa game này được lôi ra bàn luận cũng khá là nhiều rồi nên chắc nhiều bạn cũng không còn cảm thấy xa lạ với nó nữa. Cơ bản là trong game, bạn sẽ cầm súng bắn hạ hàng trăm tên địch và dùng mọi cách để tiêu diệt nhân vật phản diện. Tuy nhiên, game lại “tát” thẳng vào mặt người chơi khi cho họ biết rằng nhân vật chính của chúng ta mới là kẻ ác, và do bị ảo giác nên mới có những hành vi như thế.

Top 10 tựa game trở thành huyền thoại nhờ phá vỡ mọi quy luật (P.2) - Ảnh 1.

Sở dĩ bạn khó thể nào nhận ra điều này sớm hơn vì thoạt nhìn thì Spec Ops: The Line không khác gì những tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba ngoài kia. Cũng điều khiển một người lính gặp đâu bắn đó để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tại thời điểm game ra mắt, không ai nghĩ rằng trò chơi bắn súng bình thường như thế này lại ẩn chứa những thông điệp sâu xa về vấn đề bạo lực cũng như những hậu quả mà chiến tranh đã gây ra, nhất là về khía cạnh tâm lý.

Resident Evil 4

Ngoài nhân vật chính ra thì Resident Evil 4 không có điểm gì giống với những phần Resident Evil trước đó. Thay vì là góc quay camera bị khóa cứng, cơ chế điều khiển theo kiểu tank controls, bối cảnh căn biệt thự phong cách Gothic, và nhất là sự xuất hiện của mấy con zombie… thì Resident Evil 4 lại chuyển sang hướng tập trung hơn vào yếu tố hành động, trái ngược hoàn toàn so với những phần “tiền nhiệm”.

Top 10 tựa game trở thành huyền thoại nhờ phá vỡ mọi quy luật (P.2) - Ảnh 2.

Trong phần này, camera được chuyển thành vị trí nằm ở sau lưng nhân vật chính, bấm nút zoom là màn hình sẽ được phóng to lên để sẵn sàng nã đạn vào đầu kẻ địch. Nói chung, những thay đổi này vào năm 2005 đã mở ra một chân trời vô cùng mới mẻ các bạn ạ. Còn như bây giờ thì mấy điều này quá hiển nhiên luôn rồi.

Thêm vào đó là những kẻ địch vừa buồn cười vừa quái ác. Đến nửa sau game thì bạn sẽ được đặt chân vào một căn nhà hắc ám đến mức nổi da gà. Tất cả đều kết hợp với nhau để tạo nên phiên bản nổi bật nhất nhì trong series kinh dị này.

Metal Gear Solid 2: Sons Of Liberty

Lúc ra mắt, Metal Gear Solid 2 đã khiến không ít game thủ phải gãi đầu khó hiểu. Đây là tựa game được fan mong đợi rất nhiều, và cũng là con át chủ bài của hệ máy PS2. Game thủ háo hức muốn biết cuộc hành trình tiếp theo của Solid Snake sẽ ra sao và khi đặt chân lên nền tảng mới thì trông nó sẽ như thế nào.

Top 10 tựa game trở thành huyền thoại nhờ phá vỡ mọi quy luật (P.2) - Ảnh 3.

Sau khi phần mở màn (prologue) diễn ra xong xuôi, đúng theo những gì mà game thủ mong đợi thì nhà phát triển đã quăng hết những thứ đó ra ngoài cửa sổ bằng cách thay nhân vật Snake bằng một gương mặt mới toanh – Raiden. 

Đồng thời, bối cảnh trong phần này cũng na ná trong phần trước. Và nó kéo dài cho đến hết game. Phải đến những năm sau đó thì game thủ mới hiểu được ngụ ý đằng sau việc làm này, đó là chỉ trích tin giả (fake news) và việc tung ra hậu bản (sequel) nói chung – những vấn đề nổi cộm trong thời buổi thông tin đại chúng.

The Legend Of Zelda: Breath Of The Wild

Khi Breath of the Wild bước chân sang thể loại thế giới mở thì đã có nhiều người lo ngại về mức độ thành công của game này. Vào lúc đó thì hầu hết những dòng game lớn đều tận dụng các yếu tố sandbox, và fan e rằng việc chuyển đổi này là vì Nintendo muốn kiếm thật nhiều tiền chứ chẳng phải là nhà phát triển muốn sáng tạo hơn hay gì.

Top 10 tựa game trở thành huyền thoại nhờ phá vỡ mọi quy luật (P.2) - Ảnh 4.

Vả lại, The Legend Of Zelda là series trứ danh của Nintendo nên việc thay đổi hướng đi như thế này dĩ nhiên là không tránh khỏi sự hoài nghi của “fan cứng”. Những phần game trước đều khuyến khích game thủ tự do khám phá, nhưng với quy mô như phần này thì trước giờ chưa từng thấy. Cuối cùng, rất may là Breath Of The Wild đã không đi theo lối mòn như những game khác anh em ạ.

Trong phần này, game thủ sẽ cảm nhận được sự tự do thật sự. Thậm chí vừa mới vào game, bạn muốn đánh trùm cuối luôn cũng được chứ không nhất thiết phải hoàn thành một mớ nhiệm vụ. Thêm vào đó, game không có quá nhiều “nhiệm vụ” cho bạn làm, nhưng để khám phá mọi hang cùng ngõ hẻm trong Breath Of The Wild thì bạn sẽ phải bỏ ra rất nhiều thời gian đấy. Những game khác thì đầu tư vào đích đến cuối cùng, nhưng với tựa game này thì niềm vui chính là nằm ở chuyến đi.

Red Dead Redemption 2

Đồng ý là chúng ta đã có những tựa game thế giới mở với nhiệm vụ đa dạng, gameplay thú vị, cơ chế combat đầy kịch tính… nhưng với tiết tấu và nhịp độ chậm rãi như Red Dead Redemption 2 thì rất hiếm có game nào như vậy.

Phần 2 khuyến khích game thủ sống chậm lại để hòa nhập vào khung cảnh và xã hội miền viễn Tây. Có những lúc bạn sẽ chẳng làm gì, ngoại trừ việc đi săn bắt và câu cá để khu trại của mình có đầy đủ lương thực cũng như đồ đạc. Lúc khác thì bạn phải một mình chống chọi với môi trường khắc nghiệt nơi hoang dã trong nhiều ngày liền. Nhìn chung thì game được trau chuốt rất kĩ lưỡng, mang đến cho người chơi những cảm giác cực kỳ chân thật qua từng khung cảnh khác nhau.

Nguồn What Culture

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here