FPS – bắn súng góc nhìn thứ nhất – là một trong những thể loại game phổ biến nhất và thành công nhất từ trước đến nay. Ban đầu game tập trung vào mục chơi đơn (singleplayer) là chính, nhưng sau này nhờ có Internet rộng khắp mà chế độ chơi mạng (multiplayer) dần “chiếm diễn đàn” nhiều hơn.
Mặc dù sự thật là thế, game thủ vẫn tỏ ra phấn khích với những game FPS có chế độ chơi đơn đặc sắc, thú vị. Trong phần 1, anh em đã đến với Titan Fall 2, Wolfenstein: The New Order…. chúng ta tiếp tục tìm hiểu về top 10 tựa game có mục chơi đơn định hình cả thể loại bắn súng góc nhìn thứ nhất nhé!
DOOM (2016)
Doom cũng là một trong những huyền thoại trong làng game FPS. Xuyên suốt các phần thì đến bản Doom 3 (2004) series này lại bắt đầu… chìm nghỉm. Trong lúc thể loại này bắt đầu có sự chuyển mình thì nhà phát triển cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định, chẳng hạn như làm sao để Doom phù hợp với thời thế. Cuối cùng, id Software đã quyết định quay trở về với phong cách “old-school”.
Doom (2016) đã không còn sử dụng phong cách bắn súng theo kiểu quân sự vốn đã quá phổ biến trong thể loại FPS. Thay vì áp dụng cơ chế tự hồi máu hoặc sử dụng vật cản để núp phía sau, game thủ giờ đây phải liên tục di chuyển để né đạn và tìm cách nã súng tiêu diệt kẻ địch. Đặc biệt, mỗi khi “lâm trận” là lại có một bản nhạc rock vang lên, càng làm game thủ cảm thấy phấn khích và tăng độ hưng phấn để tiêu diệt lũ quỷ.
Thay vì tập trung vào cốt truyện, bản Doom này dồn hết tâm huyết vào cơ chế combat đã tai đã mắt. Kết quả là id Software đã tạo ra một tựa game FPS với chế độ chơi chiến dịch có tiết tấu cực nhanh và máu lửa, khiến người chơi cảm giác như mình đang là một “kẻ hủy diệt” vậy. Đây không chỉ là một trong những tựa game có chế độ chơi đơn hoành tráng mà nó còn là bản reboot cực kỳ thành công.
Bioshock
Bioshock (2007) được xem như là người kế nhiệm của System Shock. Và nó đã nhanh chóng trở thành một trong những tựa game được yêu thích nhất trong năm 2007. Game có bối cảnh vào những năm 1960 với nhân vật chính tên là Jack. Sau khi trải qua một tai nạn máy bay thì Jack đã có cơ hội khám phá thành phố Rapture nằm sâu dưới đại dương. Tuy nhiên, cuộc vui chưa được bao lâu thì nó đã nhanh chóng biến thành cơn ác mộng.
Bạn sẽ phải đối mặt với những tên dị nhân lảng vảng xung quanh các hành lang và những gã khổng lồ chuyên thu hoạch một loại thuốc có tên là Adam thông qua một đứa bé nhìn khá là đáng sợ. Điều khiến tựa game này khác hẳn so với những trò bắn súng khác là nhờ vào cơ chế tùy biến cao, cho phép bạn tinh chỉnh sao cho phù hợp với phong cách của bản thân nhất.
Bạn có thể tận dụng các plasmid sấm sét, lửa… để tấn công kẻ địch, hoặc dùng chiêu xâm nhập vào tâm trí đối phương để kiểm soát tình hình. Càng chơi thì cốt truyện sẽ càng xuất hiện nhiều yếu tố thú vị, thôi thúc người chơi tiếp tục khám phá những bí ẩn đang nằm chờ phía trước. Môi trường trong game cũng được thiết kế rất chỉn chu, tạo bầu không khí choáng ngợp ngay từ khi bạn bước chân đến thành phố này. Tính đến thời điểm hiện tại thì đây vẫn là một tuyệt tác trong làng game các bạn ạ.
Half-Life 2
Half-Life 2 thì đã quá nổi tiếng luôn rồi. Sau khi ra mắt huyền thoại Half-Life vào năm 1998 thì Valve thừa thắng xông lên với Half-Life 2 (2004). Trong phần này, nhà phát triển đã đầu tư rất nhiều vào khoản biểu cảm khuôn mặt, cơ chế vật lý trong game, và nhất là cốt truyện vô cùng liền mạch. Từ đầu tới cuối game, bạn sẽ có toàn quyền điều khiển nhân vật chính mà không hề có cảnh cutscene làm gián đoạn phần chơi chiến dịch.
Game có bối cảnh 20 năm sau phần đầu tiên, lúc này thì Gordon Freeman được đánh thức và bước vào một thế giới đầy u ám, khi mà con người đang bị lũ Combine thâu tóm. Thế là Gordon lại mặc bộ giáp HEV và cùng hợp tác với Alyx Vance tiêu diệt lũ ngoài hành tinh kia. Gordon sẽ phải làm những nhiệm vụ trải dài từ nội thành ra đến tận bờ biển, sau đó vòng ngược trở về khi quân kháng chiến Lambda bắt đầu đẩy mạnh việc chống lại các mối đe dọa.
Có thể nói Half-Life 2 là tựa game tiệm cận của hoàn hảo. Những bản mở rộng sau đó càng làm củng cố thêm vị trí này trong thể loại FPS nói riêng và ngành công nghiệp game nói chung.
Halo 3
Halo 3 là một trong những tựa game thành công nhất vào thời điểm ra mắt năm 2007. Nó được rất nhiều fan săn đón, và Bungie đã không làm mọi người thất vọng. Với câu tagline: “Finish The Fight” (tạm dịch: Kết thúc trận chiến), Halo 3 đúng nghĩa là phần gói gọn và kết thúc mạch truyện của bộ series.
Trong phần này, Master Chief sẽ đối đầu với bọn Covenant lẫn Flood lần cuối cùng. Và thế là Bungie đã tạo ra 9 màn chơi đầy cam go nhưng cũng không kém phần kịch tính, thú vị. Game thủ tỏ ra hứng thú với bản này là vì được sử dụng nhiều loại vũ khí mới, đối đầu với những kẻ địch vô cùng khó xơi và AI trong game cũng được tinh chỉnh rất công phu. Cách mà kẻ địch, xe cộ, đồng đội, vũ khí, trang bị… tương tác với nhau đều được đầu tư rất tỉ mỉ. Đây cũng chính là lý do vì sao fan lại yêu thích series Halo đến thế.
Đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tài hoa của Bungie. Trong khi phần 1 có một số màn chơi hơi nhàm chán, phần 2 có thời lượng ngắn và kết thúc hụt hẫng, thì phần 3 cân bằng hài hòa giữa yếu tố combat và kết thúc đầy thuyết phục.
Call of Duty 4: Modern Warfare
Sau những lần chu du ở những thời điểm trong quá khứ, Call of Duty cuối cùng cũng bước sang bối cảnh chiến tranh hiện đại với phần game Call of Duty 4: Modern Warfare. Trong game, các bạn sẽ theo chân một nhóm binh lính đang cố gắng truy lùng nhà độc tài của vùng Trung Đông AI-Asad và tên tài phiệt người Nga có tên là Zakhaev.
Những gì xảy ra tiếp theo trong cuộc hành trình chẳng khác gì một chiếc tàu lượn siêu tốc sẽ cuốn bạn đi từ những pha hành động nghẹt thở này đến pha hành động nghẹt thở khác. Nhưng đặc biệt phần 4 này vẫn giữ được “câu thần chú” của dòng game Call of Duty, đó là không một người lính nào phải xông pha trong đơn độc.
Chế độ chơi đơn của Modern Warfare được mô phỏng dựa trên các thể loại kịch tính cổ điển. Cụ thể trong game nếu bạn vào vai Soap MCTavish – người đề ra chiến dịch của SAS, thì bạn sẽ phải động não và đưa ra các quyết định quan trọng, chính xác tuyệt đối để chiến dịch có thể được tiến hành trơn tru. Còn nếu bạn vào vai Trung sĩ Paul Jackson, bạn sẽ được tham gia vào các cuộc tấn công trực diện mang tính hành động kịch tính hơn rất nhiều.
Cũng bởi vì sự sắp xếp xen kẽ giữa 2 vai này đã khiến cho Modern Warfare tạo ra một nhịp độ game vô cùng tuyệt vời.
Nói chung, phần chơi đơn của Call of Duty 4 đã tạo được ấn tượng rất tốt đối với người chơi. Điều này không những giúp nâng thương hiệu của tựa game này lên một tầm cao hơn, mà còn trở thành một tiêu chuẩn cho các tựa game có phần chơi đơn sau này học hỏi theo.
Nguồn What Culture biên dịch Gearvn