Tiếp thị trên blog: Hiệu quả nhưng cũng dễ đứt tay

0
5

Bài học của DoCoMo – nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động hàng đầu Nhật Bản – Công ty này đã buộc phải đóng cửa trang web vì không trả lời kịp lượng câu hỏi phản hồi của khách hàng

Không còn chỉ là nơi để các cá nhân tự thể hiện mình, blog hiện nay còn là phương tiện được nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong nước sử dụng để tự tiếp thị sản phẩm và quảng bá hình ảnh của mình. Nhưng có thể khẳng định, quảng cáo trên blog là con dao hai lưỡi…

Lập Blog cho phim

Vào những ngày cuối cùng của năm Đinh Hợi này, việc chờ đón ngày chính thức công chiếu bộ phim “Nụ hôn thần chết” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang gây ra ít nhiều xao động cho đôi ngũ những người hâm mộ điện ảnh trong nước. Nguyên nhân dẫn đến những xao động này có một phần là do những ngày vừa qua, nhiều tờ báo đã đồng thanh nhắc tới “Nụ hôn thần chết” với những đánh giá khá thiện cảm.

Điểm thực sự đáng chú ý trong chiến dịch tiếp thị “Nụ hôn thần chết” là một “chiêu” còn rất mới: lập blog cho phim từ khi đoàn làm phim chuẩn bị bấm máy. Rất nhiều chuyện hậu trường của quá trình sản xuất bộ phim này (từ kịch bản, diễn viên, sự cố, chỉ đạo diễn xuất…) được tung lên mạng để công chúng mặc sức khám phá, bình luận, phản hồi…

Ông Đỗ Sơn Dương, Giám đốc Marketing của Galaxy Studio – đơn vị sản xuất “Nụ hôn thần chết” cũng khẳng định: “Blog có những tính năng tương tác giữa chủ nhân của nó với các thành viên khác trong cộng đồng, giúp doanh nghiệp nhanh chóng có được những phản hồi quý báu từ phía người tiêu dùng. Phim là một sản phẩm văn hoá, giải trí, có tính cộng đồng rất cao nên yếu tố tương tác càng cần được coi trọng hơn.

Việc lập blog trong thời buổi bùng nổ blog cá nhân đã tạo thêm một kênh truyền thông hữu hiệu để quảng bá cho “Nụ Hôn Thần Chết”, đưa bộ phim nhanh chóng tới gần khán giả hơn, đặc biệt là những khán giả trẻ tuổi.

Trước mắt, chúng tôi vẫn coi blog là một trong những kênh truyền thông cần được tiếp tục khai thác. Tuy nhiên, thời đại công nghệ thông tin đang có những biến đổi rất mạnh mẽ với những ứng dụng không ngờ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh nhạy trong việc nắm bắt những xu hướng mới và hiệu quả để quảng bá sản phẩm”.

Thực ra, “Nụ hôn thần chết” không phải là bộ phim tiên phong trong việc tiếp thị qua blog. Trước đó, nhà sản xuất phim “Dòng máu anh hùng” và “Sài Gòn nhật thực” đã sớm áp dụng cách làm này để thu hút sự quan tâm của công chúng và đều đạt được thành công nhất định. Nhưng phải đến “Nụ hôn thần chết” thì hiệu quả của cách làm này mới thực sự đáng ghi nhận.

Blog của doanh nghiệp

Hiệu quả của phương thức quảng bá mới mẻ này vốn đã được khẳng định ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản. Vì thế, việc doanh nghiệp Việt Nam tiếp thị bằng cách lập blog riêng không chỉ dừng lại ở lĩnh vực điện ảnh mà đã lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác, từ viễn thông, dịch vụ việc làm, rao vặt đến nội thất, truyền thông, sản phẩm tiêu dùng, chứng khoán… và cả các tổ chức xã hội.

Giám đốc tiếp thị một công ty máy tính ở Hà Nội cho biết: “Ưu điểm của việc tiếp thị sản phẩm qua blog là thu lượm được những suy nghĩ, đánh giá của người tiêu dùng hoặc người đọc về sản phẩm. Người truy nhập blog sau có thể tham khảo được ý kiến phản hồi của người truy nhập trước. Những phản hồi của người đọc để lại trên blog giống như những ý kiến mà người tiêu dùng rỉ tai nhau, vì vậy có tác động đến người tiêu dùng một cách tự nhiên, nhẹ nhàng và đáng tin cậy hơn quảng cáo trên các phương tiện đại chúng.

Dù chưa tiến hành điều tra thị trường, nhưng sau hơn 1 năm thành lập blog công ty, chúng tôi khẳng định rằng việc tiếp thị sản phẩm qua blog đã góp công lớn cho việc phát triển doanh thu của công ty”.

Giới truyền thông: Nhanh chân và sớm đạt hiệu quả

Có thể dễ dàng nhận thấy, đối tượng mặn mà nhất với cách tiếp thị này là các doanh nghiệp truyền thông. Không chỉ đông đảo về số lượng, những doanh nghiệp thuộc giới truyền thông cũng chăm chút hết sức cẩn thận cho kênh tiếp thị này bằng cách cập nhật thông tin liên tục và có định hướng.

Sôi nổi nhất là các công ty sách theo nhau lập blog để cập nhật, giới thiệu tác phẩm mới, thời gian phát hành cũng như các thông tin xung quanh tác phẩm, các hoạt động của công ty.

Đi đầu trong đội ngũ này là Nhã Nam. Với khẩu hiệu “Nơi bạn có thể phát biểu, bàn luận về những cuốn sách và đóng góp ý kiến để Nhã Nam ngày một tốt hơn”, sau 1 năm ra mắt, blog của Nhã Nam đã thực sự trở thành một diễn đàn chung của doanh nghiệp này với độc giả.

 Tiếp thị trên blog: Hiệu quả nhưng cũng dễ đứt tay

Sau đó, các công ty sách như Võ Thị, Bách Việt… cũng theo nhau ra mắt blog riêng. Cách thức hoạt động này thực sự đã tạo ra những môi trường thông tin hữu ích cho độc giả, gây được tiếng vang và chuẩn bị tâm lí thị trường thuận lợi từ trước khi tác phẩm được chính thức phát hành.

Không chịu lép vế trước giới xuất bản, cánh báo chí cũng hoạt động năng nổ không kém. Rất nhiều cơ quan báo chí đã chọn blog là kênh tiếp thị chủ lực cho tờ báo của mình. Thử lướt qua danh sách blog của giới này cũng thấy khá nhiều tên tuổi đáng chú ý như Hoa Học Trò, VTV6, chương trình Thế giới Mobile của kênh truyền hình VTC5, tạp chí Thế giới học đường… Thông tin chính của các blog báo chí này là giới thiệu những nội dung mới, đặc sắc; kể chuyện hậu trường; thông báo những thay đổi của tờ báo hoặc chương trình truyền hình; mở các diễn đàn cho độc giả và khán giả…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp quảng cáo, tổ chức event, hay sản xuất các chương trình truyền hình… cũng đua nhau lập blog riêng trên các mạng Yahoo 360!, Google hay một số mạng xã hội trực tuyến của Việt Nam.

Theo sự tiết lộ của người trong giới thì thực tế này bắt nguồn từ đặc thù công việc của giới truyền thông là luôn tiếp xúc với cái mới khiến họ nhạy bén hơn với các loại hình quảng bá, tiếp thị hiện đại.

Cẩn trọng với hiệu ứng ngược

Trào lưu “ăn blog, ngủ blog, giải trí cũng… blog” của giới trẻ hiện nay khiến việc doanh nghiệp tự tiếp thị qua blog là chuyện hết sức thiết thực. Nhưng có thể khẳng định, quảng cáo trên blog là con dao hai lưỡi nên các doanh nghiệp cần hết sức cẩn thận để hạn chế tối đa những kết quả ngược lại.

Ở Việt Nam, do còn quá mới mẻ nên chưa có sự cố đáng kể nào xảy ra (hoặc chưa bị phanh phui). Nhưng trên thị trường quốc tế, câu chuyện của DoCoMo – nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động hàng đầu Nhật Bản – thực sự là một kinh nghiệm đáng ghi nhớ. Công ty này đã buộc phải đóng cửa trang web vì không trả lời kịp thời lượng ý kiến khổng lồ của khách hàng khiến họ hết sức bất bình và lên tiếng phản đối.

Tuy chưa xảy ra trường hợp nào tương tự DoCoMo nhưng có một thực tế ở Việt Nam là một số doanh nghiệp lập blog, thông báo rùm beng rồi… để đấy. Không chỉ không cập nhật thông tin, các doanh nghiệp này còn không trả lời phản hồi, thắc mắc của khách hàng nên chỉ sau một thời gian, blog đó đã trở thành kênh thông tin… chết.

Hơn thế nữa, khi khách hàng thấy thông tin trên blog doanh nghiệp không có gì mới, họ dễ liên tưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng tẻ nhạt như vậy. Vậy là, thay vì đánh bóng hình ảnh doanh nghiệp, blog đó lại bôi nhọ diện mạo của doanh nghiệp.

Theo Vietnamnet

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here