Quảng cáo video: Lúc “mát mắt”, khi “nóng đầu”

0
22

Frank Harper hiểu rằng tất cả các video clip miễn phí trên mạng Internet đều “có giá” của nó: ấy là quảng cáo đi kèm. Nhưng đâu có ai bắt bạn phải ngồi xem những mẩu quảng cáo không-mong-đợi ấy cơ chứ?

Quảng cáo video: Lúc mát mắt , khi nóng đầu

“Mỗi ngày, tôi xem tới cả chục clip trên những site như Microsoft MSN. Nhưng đại đa số các trường hợp tôi đều tắt âm tiếng”, Harper cho biết.

“Hoặc là tôi xem cái tin khác, truy cập vào trang khác trong lúc chờ cho quảng cáo hết chẳng hạn”.

Để không gây khó chịu

Giới quảng cáo và các website đang tìm mọi cách để quảng cáo Internet có thể đạt đến hiệu quả giống như quảng cáo truyền hình.

Khi công chúng quay mặt đi, bực tức và khó chịu với một video clip quảng cáo, đó là khi quảng cáo hoàn toàn thất bại.

Theo hãng nghiên cứu eMarketer, ngân sách dành cho quảng cáo video trực tuyến chỉ chiếm chưa đầy 4% quảng cáo Internet nói chung. Còn nếu đem so với quảng cáo truyền hình, tỷ lệ này còn khiêm tốn hơn nhiều: vẻn vẹn 1%.

Nhưng tất nhiên, vẫn như mọi khi, người ta đang kỳ vọng vào một tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Giới nghiên cứu dự đoán ngân sách chi cho quảng cáo video trực tuyến sẽ tăng gấp hơn 3 lần, đạt 4,3 tỷ USD vào năm 2011, khi mà lượng công chúng của video mạng đông đảo hơn.

Thách thức lớn nhất là tìm được cách tiếp cận sáng tạo và hợp lý, làm sao để khách truy cập không cảm thấy khó chịu tới mức chẳng bao giờ quay trở lại với site đến lần thứ hai.

“Người dùng luôn yêu thích các nội dung miễn phí, trong khi nhà quảng cáo muốn lấp đầy từng phút một, từng pixel một bằng thông điệp của họ. Các website cần phải tạo được sự cân bằng giữa hai phía”, một quan chức quảng cáo của Microsoft cho biết.

Tuy vậy, kết quả đạt được cho tới nay còn khá khiêm tốn. Nhiều site thậm chí còn bắt buộc người dùng phải xem video quảng cáo khi sử dụng công nghệ chống “thoát”.

Những lúc ấy, người dùng dán chặt mắt lên thanh status, cố gắng tìm cách nhảy cóc qua đoạn clip quảng cáo khó chịu kia. Và thế là toàn bộ nội dung quảng cáo chẳng vào đầu họ được một tẹo nào”, Giám đốc Jonathan Sackett của hãng quảng cáo Arnold Worldwide cho biết.

Nhiều tiềm năng, nhưng chưa được khai phá!

Một số nghiên cứu còn cho thấy: nếu quảng cáo xuất hiện, nhiều người xem còn… bỏ luôn cả clip video chính. Cuối cùng là chẳng ai được lợi, website không, nhà quảng cáo không và người dùng thì ôm cơn tức.

“Google đã kiếm được hàng tỷ USD nhờ quảng cáo dạng chữ, nhưng hình thức quảng cáo này chỉ dành cho các doanh nghiệp muốn “ăn xổi”, tức là muốn nhìn thấy kết quả tác động ngay lên doanh thu.

Nhưng nếu như bạn quan tâm đến quảng bá nhãn hiệu dài hạn, video mới là hình thức tạo được ấn tượng sâu đậm hơn”, ông Sackett nói thêm.

“Video rất giàu cảm xúc và có nội dung hết sức phong phú. Nó thực sự chạm được tới trái tim của bạn”, bà Suranga Chandratillake, người sáng lập ra hãng tìm kiếm video Blinkx PLC cho biết.

“Nó kết hợp tất cả những điểm tuyệt vời của quảng cáo truyền hình với quảng cáo trực tuyến”.

Một trong những thế mạnh nổi bật của quảng cáo hình trực tuyến chính là tính tương tác. Lấy thí dụ, khi bạn xem một tập phim “Lost” trên website của kênh truyền hình ABC, bạn sẽ bắt gặp một bức ảnh chụp cực kỳ quyến rũ của người mẫu Daniella Sarahyba trong trang phục bikini.

Muốn xem clip “Sarahyba chụp hình và tạo dáng cho tạp chí Sport Illustrated”, người dùng chỉ việc click chuột thẳng vào ảnh và thưởng thức gần 100 bức khác nhau.

Thậm chí, họ còn có thể download ảnh về máy rồi quay lại xem “Lost” mà chẳng bị lỡ một cảnh phim nào.

Các thử nghiệm

Trong khi ấy, YouTube và AOL lại thử nghiệm quảng cáo “chèn”, được bố trí ở dưới đáy của một số video clip nhất định. Khi click vào quảng cáo, đoạn video chính sẽ tự động ngừng (pause), nhường lại màn hình cho nội dung quảng cáo.

Nếu như người xem không có bất cứ phản ứng gì trong vòng vài giây, quảng cáo chèn lại tự động biến mất.

Gã khổng lồ Yahoo cũng ấp ủ một tính năng tương tự vào cuối năm nay. Kể từ tháng 2 vừa qua, Yahoo bắt đầu cung cấp nhiều chương trình phim ăn khách của HBO, với điều kiện người dùng phải xem trailer quảng cáo phim trước đó.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dạng thức quảng cáo chèn không thích hợp với video clip quá ngắn.

Suy cho cùng, có ai muốn thưởng thức một clip quảng cáo dài tới 30 giây, khi mà clip chính muốn xem chỉ ngắn vẻn vẹn 15 giây hay không?

Điều mỉa mai là hầu hết clip “ăn khách” trên YouTube lại toàn là clip ngắn.

Theo AP

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here