Quảng cáo trực tuyến của Việt Nam vẫn chủ yếu là ở các báo điện tử nhưng không phải báo nào cũng có thể sống được bằng quảng cáo trực tuyến.Theo đánh giá của Credit Suisse First Boston (CSFB), thị trường của quảng cáo trực tuyến trên toàn cầu sẽ đạt 16,6 tỉ USD trong năm 2006 và sẽ đạt 33,8 tỉ USD vào 2010.
Doanh thu của quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam trong năm 2005 vừa qua là 30 tỷ đồng, dự kiến sẽ đạt 65 tỷ đồng trong năm 2006. Mục tiêu từ nay đến năm 2010 của quảng cáo trực tuyến sẽ là 500 tỷ đồng/năm.
Theo ước tính, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 15 tỷ lượt người truy cập vào các website. Đó chính là một điều kiện thuận lợi rất lớn để quảng cáo trực tuyến bùng nổ và trở thành xu thế phát triển hàng đầu trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay.
Theo một số liệu thống kê tại Mỹ, doanh thu của ngành này trong năm 2005 là 13,5 tỷ USD; của Trung Quốc, một quốc gia đang nổi lên như là một đất nước dẫn đầu ngành công nghệ thông tin của châu Á là 5 tỷ Nhân dân tệ/năm và dự kiến đến 2010 sẽ vượt qua con số 37 tỷ Nhân dân tệ.
Tại châu Âu, quảng cáo trực tuyến cũng đang trở thành một đối thủ đáng gờm của các loại hình quảng cáo khác. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), đến hết tháng 6/2006 trên toàn quốc đã có hơn 13 triệu thuê bao Internet. Bên cạnh đó, dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao ADSL đến đầu năm 2006 cũng đã vượt quá con số 300.000 thuê bao.
Những con số này cho thấy tiềm năng phát triển của Internet cũng như quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam hiện nay là rất lớn. Theo ông Nguyễn Qúy Cáp – Phó chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam (VAA), hiện nay hơn 80% thị phần quảng cáo đang nằm trong tay của gần 50 công ty quảng cáo nước ngoài, số còn lại được chia đều cho gần 3.000 công ty quảng cáo trong nước.
Hiện tại, trên thế giới có nhiều cách đánh giá khác nhau như dựa vào số lượng click vào banner, tính phí theo số lượt quảng cáo (pageviews) trên mỗi 1.000 lần xem (CPM – Cost Per Thousand Impression) và tính phí theo giá trị của mỗi click vào quảng cáo…
Ngoài banner, pop-up, video trực tuyến thì hầu như không thể tìm thấy loại hình quảng cáo nào khác tại các website có quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Trong khi đó, trên thế giới từ lâu đã cung cấp nhiều công nghệ quảng cáo cũng như cho phép khách hàng có được nhiều lựa chọn khác ngoài “treo banner” như: điều tra trực tuyến (online survey), quảng cáo bằng các nội dung đa phương tiện (rich media) lồng ghép như quảng cáo trong trò chơi điện tử (in-game ads), quảng cáo trong các tập tin âm thanh và hình ảnh truyền phát trực tiếp (in- streaming ads).
Mặt khác, nguồn thu chính trong quảng cáo trực tuyến tại các quốc gia phát triển lại là dịch vụ tìm kiếm. Chính vì vậy, theo một chuyên gia trong ngành này khẳng định: “quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đang nằm ở “thời kỳ cổ đại” của thương mại điện tử. Với những cách thức quảng cáo, cách tính phí và hiệu quả thì quảng cáo trực tuyến của Việt Nam còn có một khoảng cách rất xa so với quảng cáo trực tuyến của thế giới”.
Hiện nay, quảng cáo trực tuyến của Việt Nam vẫn chủ yếu là ở các báo điện tử nhưng không phải báo nào cũng có thể sống được bằng quảng cáo trực tuyến. Số các báo điện tử sống được bằng quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn tại các website thương mại điện tử thì vẫn chưa có nhiều động tĩnh.
Năm 2006, nhìn bề ngoài thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam vẫn khá im ắng. Tuy nhiên, đằng sau sự im ắng đó là các đợt “sóng ngầm” đang chuyển động chuẩn bị cho một bước tiến mới khẳng định những tính năng vượt trội của mình trong thời đại công nghệ hiện nay. Các doanh nghiệp cũng không ngần ngại đưa vào chiến lược marketing của mình thêm một kênh truyền thông nữa là quảng cáo trực tuyến vì những tính năng vượt trội luôn đi cùng thời đại với sự hỗ trợ đắc lực của việc Internet hóa toàn cầu.
Nắm bắt được điều đó, nhiều công ty thương mại điện tử vốn trước đây chỉ hoạt động trong một vài lĩnh vực chuyên ngành như “săn người” nay đã mở rộng sang lĩnh vực quảng cáo trực tuyến và xem đó như một chiến lược phát triển dài hạn.