Cách đây ít lâu, chắc hẳn bạn đã từng nghe đến tin tức CEO Facebook – Mark Zuckerberg – chỉ nhận lương 1 USD cho cả năm làm việc, tương đương hơn 20.000 đồng. Điều này vốn không hề mới mẻ, thậm chí đã được Mark xác nhận từ tận năm 2013, chủ động từ chối khoản lương 500.000 USD/năm xuống mức vô cùng lương ít ỏi đó trong ngót nghét gần 6 năm vừa rồi.
Vì đâu lại có chuyện lạ lùng và khó tin đến như vậy?
Chính Mark Zuckerberg cũng từng lên tiếng chia sẻ cảm nghĩ về sự thực này vào năm 2015: “Tôi đã kiếm đủ nhiều tiền rồi. Hiện tại, tôi đang tập trung cố gắng làm nhiều thứ xứng đáng nhất có thể từ gia tài của mình. Đó cũng chính là những nỗ lực đang được thực hiện bởi Facebook, đem lại sức mạnh kết nối cho mọi người trên thế giới. Ngoài ra, tôi cũng đầu tư nhiều vào các dự án giáo dục và y tế bên ngoài để đóng góp thêm nhiều cho cộng đồng…”
Nghe qua có vẻ hơi lan man dài dòng, dẫu vậy, lý do thực sự đứng sau khoản lương ít đến kỳ lạ của Mark Zuckerberg (và nhiều gương mặt cộm cán khác trong làng công nghệ như Elon Musk, Larry Page) lại đến từ một xu hướng khá phổ biến dành cho những người ở tầm “sếp tổng” như vậy. Nó đã có mặt từ những năm đầu thập niên 1900, nhưng nay lại trở nên nở rộ và được nhiều người chọn làm theo.
Vậy tác dụng của điều đó là gì, và tại sao họ lại chọn từ bỏ lương bổng cao ngất ngưởng như vậy? Trước hết, các lãnh đạo khi quyết định làm như trên sẽ chủ động từ bỏ lương cũng như các khoản tiền mặt trực tiếp (thưởng thành tích, dịch vụ ưu đãi). Thay vào đó, họ sẽ nhận các loại hình tài sản có giá trị quy đổi gián tiếp khác như được tặng sở hữu cổ phiếu của chính công ty. Hành động này cũng một phần giúp cho công ty bớt chịu áp lực về mặt tài chính khi phải trả lương nhiều cho lãnh đạo, đặc biệt là trong thời kỳ khó khăn hoặc làm ăn chật vật.
Mặt khác, việc nhận tài sản quy đổi như cổ phiếu cũng là một phần tính toán trước của những vị sếp này, bởi họ có thể hoàn thành kế hoạch một công đôi việc cho mục đích lâu dài về sau. Sở hữu càng nhiều cổ phiếu, họ càng có tiếng nói ở công ty khi đưa ra quyết định lớn, đồng thời nhận thêm nhiều tiền khi công ty ăn nên làm ra, giá trị cổ phiếu tăng mạnh. Lý giải cho con số 1 USD lẻ loi, đó là do luật pháp hiện hành quy định nhân viên chính thức bắt buộc phải có thu nhập. Vì vậy khoản lương ít đến nực cười đó được chọn như một cách “chống chế”, vừa tránh phạm luật, vừa thoả mãn ý định từ chối gần như toàn bộ lương thưởng của các CEO.
Sở hữu nhiều cổ phiếu thay cho tiền lương cũng là nguyên nhân giúp Mark Zuckerberg trụ vững qua scandal nặng nề.
Những người như Mark Zuckerberg có tài sản chung tăng lên/mất đi hàng tỉ USD một đêm sau khi giá cổ phiếu của công ty update cũng là chuyện bình thường. Hơn nữa, lượng cổ phiếu tích trữ khổng lồ cũng giúp Mark Zuckerberg đang là người có ảnh hưởng quyền hạn lớn nhất Facebook, giúp anh trụ vững vị trí điều hành dù có bị phản đối bởi chính nội bộ công ty. Nhiều người từng yêu cầu anh xuống chức khi gặp scandal, nhưng quyền quyết định vẫn nghiêng về anh là trên hết nhờ sở hữu nhiều cổ phiếu hạng B quyền lực.
Ngoài ra, đây cũng có thể được coi là một chiến lược tác động tâm lý nhân viên, thúc đẩy hiệu quả làm ăn của công ty. Bằng việc giảm lương cơ bản của sếp tổng xuống 1 USD/năm, toàn thể mọi người sẽ nhìn nhận đó là một sự hy sinh lớn lao từ lãnh đạo để thúc đẩy tương lai bền vững và an toàn, ủng hộ tinh thần làm việc nhiều hơn bất chấp gian khó. Đôi lúc cảm thấy mệt mỏi vì chạy deadline nhiều quá ư? “Nhìn sếp kìa, ông ấy nhận có 1 USD/năm mà vẫn gồng mình lãnh đạo công ty đó, đừng ca cẩm nữa mà hãy tập trung làm tiếp đi nha!”