Chấn thương cổ tay là câu chuyện không còn quá xa lạ với giới eSports chuyên nghiệp. Ban đầu, những cơn đau nhức nhẹ xuất hiện. Nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ chuyển thành nhói, buốt đến mất ngủ. Bệnh nhân phải dùng đến thuốc giảm đau, vật lý trị liệu hoặc thậm chí cả tiểu phẫu. Đến một lúc nhất định, bàn tay sẽ không thể linh hoạt như trước được nữa.
Đối với người bình thường, khi bị chấn thương cổ tay chỉ việc tạm ngừng chơi game trong một vài tháng thì sẽ hồi phục. Tuy nhiên, nếu là game thủ chuyên nghiệp, mọi chuyện sẽ trở nên cực kỳ tồi tệ khi hiệu quả thi đấu và tập luyện giảm sút và đứng trước nguy cơ giải nghệ sớm.
Chàng trai trẻ Hai giã từ sự nghiệp sớm do chấn thương cổ tay. Ảnh: Dot Esports.
Tuyển thủ gốc Việt của đội Fly Quest Hai “Hai” Du Lam là nạn nhân điển hình cho chứng bệnh này. Anh phải chia tay cả đội và tạm ngừng hoạt động một thời gian dài trước sự bàng hoàng của người hâm mộ. Chấn thương của Hai nặng đến mức anh chàng không thể cầm vững chuột quá 15 phút.
Chấn thương cổ tay và nguyên nhân
Có rất nhiều loại chấn thương ở vùng cổ tay nhưng đặc thù nhất trong eSports chính là hội chứng đường hầm cổ tay (CTS). Đây là bệnh thường gặp ở những người có thói quen hoạt động bằng tay liên tục tuy nhiên lại duy trì tư thế cố định trong thời gian dài.
Tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng chấn thương ống cổ tay về lâu dài có thể dẫn đến dị tật do tổn thương thần kinh và mạch máu. Nếu chủ quan trong việc chữa trị có thể gây tổn thương thần kinh, teo cơ gò cái, đặc biệt có thể dẫn đến teo cơ vĩnh viễn.
Có 2 nguyên nhân chính khiến tỷ lệ các tuyển thủ eSports mắc phải chấn thương cổ tay cao hơn so với những người thông thường.
Thứ nhất, các tuyển thủ eSports thường xuyên phải tập luyện với cường độ cao trong khoảng thời gian từ 10-12h mỗi ngày và lặp lại liên tục. Hành động di chuyển chuột trong khoảng thời gian dài đã khiến những chấn thương nhỏ tích tụ dần.
Uzi cũng là nạn nhân khi phải chơi game quá nhiều.
Nguyên nhân thứ 2 dẫn đến chấn thương cổ tay là do dành quá nhiều thời gian để luyện tập mà bỏ qua những hoạt động thể thao ngoài trời. Việc này vô tình dẫn đến hiện tượng béo phì, thừa cân. Hầu hết đội tuyển eSports hàng đầu trên thế giới đã nhìn nhận ra vấn đề này và đang nỗ lực khắc phục. Tuy vậy, không phải tổ chức nào cũng có đủ tiềm lực tài chính để quan tâm đến những vấn đề bên ngoài chuyên môn.
Liệu có giải pháp khắc phục?
Hiện tại, giải pháp tốt nhất được đưa ra bởi các chuyên gia là tặng cường nghỉ ngơi để chấn thương hồi phục trong một thời gian nhất định (tối thiểu 1,5 năm).
Đối với game thủ chuyên nghiệp, điều này gần như không thể khi tính cạnh tranh trong những giải đấu eSports vô cùng khốc liệt. Nghỉ ngơi gần 2 năm đồng nghĩa với việc bị đào thải. Nếu rơi vào trường hợp này, nguy cơ chấm dứt sự nghiệp gần như chắc chắn.
Có vài biện pháp khắc phục tạm thời.
Do đó các game thủ thường sử dụng những giải pháp tình thế như niềng, thay đổi hình thức dùng chuột hoặc thực hiện các bài tập hỗ trợ tuần toàn máu cho khu vực cổ tay.
Nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe có đủ kéo game thủ khỏi cám dỗ tiền tài và danh vọng?
Dẫu biết rằng tuổi nghề của các game thủ chuyên nghiệp thường rất ngắn nhưng nếu bất chấp tất cả nguy cơ chấn thương để được ra sân thi đấu thì người phải chịu hệ lụy trong suốt quãng đời còn lại sau này sẽ chính là họ.
Ở đấu trường Dota 2, Clinton “Fear” Loomis, cựu tuyển thủ của Evil Geniuses đã suýt phải giã từ sự nghiệp vĩnh viễn vì vấn đề chấn thương tay. Anh cho biết mình đã gặp chấn thương từ năm 2015. Tuy nhiên, vì chức vô địch tại The International 5, ngọn lửa đam mê trong người lại thôi thúc muốn cống hiến, thể hiện và đoạt tấm khiên Aegis một lần nữa. Thế là Fear lại lao đầu vào tập luyện bỏ qua chấn thương hết sức nghiêm trọng của mình.
Bất cứ môn thể thao nào cũng tiềm ẩn những nguy hiểm chết người không riêng gì eSports. Các vận động viên nên suy nghĩ cho cả sự nghiệp và tương lai của mình thay vì những vinh quang nhất thời.