Chẳng mấy sinh vật có thể tồn tại mà không cần thức ăn, thậm chí chẳng cần di chuyển suốt nhiều năm trời. Trong số ít những loài có khả năng đó, có lẽ không loài nào vượt mặt được kỳ giông olm, loài sinh vật sống dưới nước có tên khoa học là Proteus anguinus nhiều khả năng sẽ nắm được kỷ lục sống lâu hàng năm mà chẳng cần làm gì.
Các nhà khoa học tại Anh và Hungary phát hiện ra những con kỳ giông olm sống trong hang động tại Bosnia-Herzegovina gần như chẳng động chân tay gì trong suốt 10 năm trời; tổng quãng đường chúng di chuyển trong suốt 10 năm chỉ vỏn vẹn … 10 mét. Theo nghiên cứu mới được đăng tải trên Tạp chí Zoology, có một cá thể kỳ giông còn chẳng động đậy gì trong 7 năm liền.
Những sinh vật mù này có thể sống trong môi trường nước của hang tối tới cả thế kỷ. Trong bóng tối của hang sâu, chúng không có thiên địch, mà cũng chẳng cần nhiều năng lượng để duy trì sự sống. Kỳ giông olm có thể giảm tốc độ trao đổi chất lại, đến mức tồn tại được cả thập kỷ mà chỉ cần ăn một bữa.
Và khi chúng đưa ra quyết định dùng bữa, một con kỳ nhông sẽ đi kiếm ăn bằng thính giác cực kỳ nhạy bén của mình; tôm cá nhỏ, những con sên lơ lửng trong làn nước sẽ là bữa ăn quý giá của olm, cung cấp năng lượng để chúng lại tiếp tục … nằm im một chỗ.
Kỳ giông olm cũng chịu khó di chuyển khi tìm bạn tình, trung bình khoảng 12,5 năm lại đi kiếm bạn tình một lần.
Suốt 8 năm ròng, các nhà khoa học nghiên cứu kỳ giông olm trong môi trường sống tự nhiên của chúng – hệ thống hang ngầm nằm tại Bosnia-Herzegovina. Để thu thập dữ liệu, nhóm thợ lặn sẽ bắt kỳ giông bằng tay, đánh dấu chúng và lại đặt lại vị trí cũ. Nhờ thế, họ mới biết được rằng lũ kỳ giông mù này chẳng thèm di chuyển suốt nhiều năm trời, chỉ trừ khi nổi hứng muốn ăn và muốn kiếm bạn giao phối.