Khi nhà triết học 97 tuổi đối mặt với cái chết, ông ấy đã nghĩ gì?

0
0

Năm 1996, Herbert Fingarette khi đó đã 75 tuổi. Như một dự cảm không lành, nhà triết học người Mỹ đã viết một cuốn sách có tựa đề “Cái chết: Tôi đang ngóng chờ nó từ góc nhìn triết học”.

Trong cuốn sách này, Fingarette lập luận rằng mọi ý nghĩ lo sợ về cái chết đều là phi lý. “Chết là hết“, ông ấy viết. Tại sao chúng ta phải sợ hãi khi chính bản thân mình không còn tồn tại ở đó để chịu đựng cái chết và sự sợ hãi của nó?

Thế nhưng hơn 20 năm sau, ở tuổi 97 và phải đối mặt với cái chết của chính mình, nhà triết học bây giờ mới nhận ra rằng ông ấy đã sai. Cái chết bắt đầu khiến Fingarette sợ hãi, nó ám ảnh tâm trí ông và khiến ông không thể ngừng nghĩ về nó.

Thật trớ trêu, Fingarette đã dành hơn 40 năm giảng dạy triết học tại Đại học California và ông ấy cũng đã từng viết rất nhiều về tâm lý tự lừa dối bản thân. Bây giờ, ở ngưỡng cửa cuối cùng của cuộc đời, ông tự hỏi liệu mình có đang tự lừa dối bản thân về ý nghĩa của sự sống và cái chết hay không?

Khi một nhà triết học 97 tuổi đối mặt với cái chết, ông ấy đã nghĩ gì?

“Nó ám ảnh tôi, cái ý nghĩ rằng tôi sắp chết, cho dù có lý do chính đáng hay không”, Fingarette nói trong bộ phim tài liệu ngắn “Ở tuổi 97” của Andrew Hasse. “Tôi thường xuyên đi bộ xung quanh và tự hỏi bản thân mình: Ý nghĩa của cả cuộc đời này là gì?”.

Hasse chính là cháu trai của Fingarette, người đã quay những thước phim cuối đời cho ông nội mình. Hai đã từng rất thân thiết từ khi Hasse còn là một đứa trẻ. Fingarette khi đó thường kể chuyện và ghi chúng vào băng và gửi đến cho Hasse sống cách đó 300 dặm.

Và thế là dù ở xa ông nội nhưng Hasse vẫn có thể nghe ông kể chuyện trước khi ngủ. “Ông tôi là một trong những người đàn ông chu đáo nhất mà tôi từng gặp”, Hasse nói.

“Ở tuổi 97” là một bộ phim sâu sắc khám phá nội tâm của tuổi già và cuộc đấu tranh để chấp nhận những điều không thể tránh khỏi. Hasse đã lặng lẽ quan sát những gì đang định nghĩa sự tồn tại của ông mình: Đó có thể là sự tĩnh lặng, sự mất mát khả năng vận động và sự chấp nhận rằng bây giờ ông ấy cần phải được giúp đỡ.

“Rất khó cho những người chưa đến tuổi già hiểu được tâm lý của nó, những gì đang diễn ra trên cơ thể và bên trong nội tâm của họ”, Fingarette nói.

Trong một cảnh quay, Fingarette đã lắng nghe một bản nhạc mà ông từng nghe với người vợ quá cố của mình. Ông ấy chưa từng nghe lại bản nhạc này kể từ cái chết của bà ấy 7 năm về trước. Sự ra đi của người vợ là một mất mát lớn trong cuộc đời của Fingarette. Nó khiến ông cảm thấy trống vắng, cô đơn và “như chết đi một nửa”

“Sự vắng mặt của bà ấy bây giờ là một sự hiện diện đối với tôi”, Fingarette nói trong phim khi nỗi đau buồn hình như đã quay trở lại nuốt chửng ông ấy.photo-1

Hasse đã chọn một góc nhìn nghệ thuật để loại bỏ toàn bộ giọng nói của mình khỏi bộ phim. Vì vậy trong khi quay cảnh này, anh ấy đã phải cố kìm nén ý muốn an ủi ông nội mình. Hasse nói: “Rất khó để chứng kiến ​​bất cứ ai trong cơn đau như vậy mà không thể an ủi họ, đặc biệt là người mà bạn vô cùng yêu quý.

Tôi chỉ ngồi cách ông chỉ vài bước chân, nhưng không thể đưa tay ra ngoài vì chiếc camera giữa chúng tôi. Tất cả những gì tôi muốn làm là đặt một tay lên vai ông, ôm lấy ông và ở bên ông trong nỗi đau ấy”.

Sau cảnh quay dường như kéo dài bất tận với Hasse, nhà làm phim đưa cho ông nội của mình một chiếc khăn giấy lau nước mắt. Trong phim, bạn sẽ thấy cảnh quay kết thúc ngay trước khi điều này xảy ra.

Fingarette cũng đã khóc vì những điều rất đỗi nhỏ nhặt và thường ngày trong cuộc sống. Đó là khi ông nhìn những đám cây đung đưa trong gió ngay trước hiên nhà mình. Fingarette nhận ra vẻ đẹp kỳ diệu của chúng, mặc cho ông đã nhìn chúng cả đời.

Duy nhất có lần này những chiếc cây khiến ông xúc động. Chúng đưa ông vào một thực tại siêu việt, một trải nghiệm khao khát sống mãnh liệt. “Tôi nghĩ cuộc sống của tất cả chúng ta trong đời đều vậy”, Fingarette nói. Nó tràn ngập những cung bậc thăng trầm, hạnh phúc và cả sự đau khổ. “Vậy mà tôi vẫn cứ muốn quanh quẩn sống”.

Khi nhà triết học 97 tuổi đối mặt với cái chết, ông ấy đã nghĩ gì? - Ảnh 3.

Fingarette qua đời vào cuối năm 2018 ở tuổi 97. Chỉ vài tuần trước đó, Hasse đã cho ông ấy xem đoạn cuối của bộ phim tài liệu. “Tôi nghĩ nó đã giúp ông có cái nhìn về những gì ông đã trải qua”, anh nói.

Một ngày trước khi chết, Fingarette đã nói những lời cuối cùng của mình. Hasse đã ở đó để chứng kiến. Sau nhiều giờ im lặng nhắm mắt ông nội anh đột nhiên nhìn lên và nói: “Chà, vậy là đã rõ rồi!”.

Bản thân Hasse cũng không rõ điều ông mình muốn nói là gì. “Nhưng tôi muốn tin rằng ông đã có thể ngẫm ra một điều gì đó vượt ra bên ngoài cái chết”, anh nói.

Tham khảo Atlantic

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here