Lỗi mã hóa dữ liệu
Được phát hiện bởi dịch vụ VPN Proton, iOS 13.4 có một lỗ hổng bảo mật khiến dữ liệu của bạn không được bảo vệ khi sử dụng VPN trên iPhone. Proton giải thích rằng iOS 13.4 không thể đóng các kết nối không bảo mật hiện tại khi VPN của bạn khởi động, và một số kết nối không bảo mật sẽ vẫn duy trì ở chế độ mở trong từ vài phút đến vài giờ bên ngoài VPN.
Đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với bất kỳ người dùng iPhone nào sử dụng VPN để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm. Và đáng lo ngại nhất là, Proton giải thích rằng họ phát hiện lỗi này trên iOS 13.3.1 và đã thông báo cho Apple, nhưng hãng này không đưa ra được bất kỳ bản vá nào, mặc cho iOS 13.4 ra mắt gần hai tháng sau đó.
“Cả Proton VPN lẫn bất kỳ dịch vụ VPN nào khác đều không thể đưa ra một giải pháp cho vấn đề này vì iOS không cho phép một ứng dụng VPN hủy các kết nối mạng hiện có” – Proton giải thích. Hãng này đề xuất bạn nên khởi động VPN của mình, sau đó bật và tắt chế độ máy bay để hủy các kết nối ngoài VPN đang sử dụng, nhưng cách này chỉ hoạt động khi bạn sử dụng tính năng Always-on VPN của Apple bởi nó đòi hỏi chức năng quản lý thiết bị mà không VPN bên thứ ba nào có được.
Một bản cập nhật đầy lỗi từ Apple
Các vấn đề về dữ liệu di động, nhắc lịch, điều hướng, và bàn phím
Bên cạnh các lỗ hổng bảo mật, iOS 13.4 và iPadOS 13.4 còn gặp nhiều vấn đề khác, bao gồm khiến các bàn phím bên thứ 3 trở nên vô dụng trên iPad, gây mất ổn định kết nối Bluetooth, các lỗi kỳ lạ liên quan shortcut, và mất mạng di động đối với người dùng SIM kép.
Chưa hết, có nhiều lỗi liên quan Control Center, bàn phím ảo, Assistive Touch, mở và cập nhật ứng dụng… Danh sách này còn bao gồm một vài vấn đề liên quan dữ liệu di động và hotspot mà Apple đã phát hiện ra nhưng chưa khắc phục được trên iOS 13.
Nếu bạn cho rằng nhiêu đó là quá nhiều, thì hãy chịu khó đọc tiếp.
Người dùng iOS 13.4 trước đó còn gặp lỗi tìm kiếm trên iPhone: dấu cộng (+) trong từ khóa sẽ tự động bị xóa mất. Dù lỗi này không nghiêm trọng như hầu hết các lỗi nêu trên, nhưng nó có thể dẫn đến nhiều hệ quá, từ gây khó chịu (ví dụ bạn tìm “Disney+” nhưng kết quả chỉ trả về “Disney”) đến khiến bạn mất tiền vô lý (ví dụ bạn tìm giá Galaxy S20+, nhưng kết quả trả về giá của Galaxy S20, vốn thấp hơn, khiến bạn có khả năng mua nhầm điện thoại). Mỉa mai thay, lỗi này khiến những người dùng iPhone có hứng thú với dịch vụ Apple TV+ mới của Apple không thể tìm thấy thứ họ muốn, thay vào đó chỉ thấy kết quả tìm kiếm liên quan chiếc set top box Apple TV mà thôi. Trang tin 9to5Mac chỉ ra rằng MacOS 10.15.4 cũng gặp lỗi này. Chẳng hiểu Apple đang làm gì mà khiến lỗi ngớ ngẩn này “lây chéo” từ nền tảng này sang nền tảng khác như vậy? Được biết, hiện tại Apple khẳng định đã khắc phục lỗi này từ phía server, các bạn có thể thử tìm kiếm để xem trên thiết bị có còn lỗi không.
Cần điều khiển cho headset AR/VR của Apple?
Cuối cùng là một tiết lộ nho nhỏ: khi tìm hiểu mã nguồn iOS 14 bị rò rỉ, trang tin MacRumors phát hiện ra hình ảnh về chiếc cần điều khiển cho một headset AR/VR. Thiết bị này được thiết kế theo đúng tiêu chí tối giản của Apple: một ống hình trụ với bề ngoài màu đen nhám và chỉ có đúng 1 nút bấm mà thôi. Phát hiện này trùng hợp với một phát hiện trước đó cũng của MacRumors: có một ứng dụng AR mới trên iOS 14, tên mã Gobi, được cho là đang được Apple thử nghiệm trong nội bộ công ty. Khá lạ là công ty cũng đã thiết lập một tựa game bowling AR, chỉ có thể được kích hoạt tại một giao lộ gần văn phòng Apple mang tên “Mathilda 3” nằm tại số 555 N Mathilda Ave ở Sunnyvale, California – đây có lẽ là một trong những địa điểm mà Apple đang dùng để phát triển headset AR/VR.
Trò chơi bowling AR/VR chỉ có thể kích hoạt tại một địa điểm nhất định của Apple
Vẫn còn khá nhiều bí ẩn, nhưng có một điều chắc chắn: sau khi ra mắt cảm biến LiDAR tiên tiến trên iPad Pro mới, Apple sẽ đẩy mạnh AR/VR trong năm 2020, và iPhone 12 sẽ là thiết bị tiếp theo với các tính năng AR/VR thú vị.
Tham khảo: Forbes