Giải mã hiện tượng những sinh vật không chết dù đã bị chặt đầu

0
0

Đừng bao giờ đưa ngón tay bạn vào miệng một con cá, ngay cả khi nó đã bị chặt đầu. Muốn biết lý do tại sao ư? Hãy xem đoạn video đang làm mưa làm gió trên chuyên mục WTF của Reddit dưới đây. Nó quay lại cảnh một con lươn sói (Wofl Eel) – thực ra là một con cá Anarrhichthys ocellatus – cắn nát những lon Coca-Cola.

Và nếu bạn để ý, con cá này thực ra chỉ còn lại phần đầu, thân của nó đã bị chặt bỏ. “Cái đầu của một con lươn sói vẫn có thể cắn và khiến bạn bị nhiễm độc ngay cả khi nó đã bị chặt ra“, tài khoản Reddit đăng tải hình ảnh cho biết.

Đừng bao giờ cho tay vào miệng một con cá, ngay cả khi nó đã bị chặt đầu

Dành cho những ai còn nghi ngờ về độ xác thực của đoạn video này, nó chính xác là đoạn cắt từ một video có thật, được tài khoản có tên Rúni Djurhuus đăng trên Youtube hồi tháng Một.

Đoạn video gốc dài một phút rưỡi quay hai thí nghiệm được thực hiện ngay trên tàu đánh cá. Trong thí nghiệm đầu tiên, người thủy thủ nhét một lon Coca-Cola vào miệng con lươn sói còn sống nguyên vẹn.

Mất một tích tắc ngắn để con lươn sói biết chuyện gì đang diễn ra, rồi nó khép hàm cắn phập lon Coca không rời, nghiền nó trong khi quẫy mình một cách tàn nhẫn. Bọt gas trào ra ngoài, phải rất khó khăn thủy thủ mới gỡ được lon Coca nát tươm ra khỏi hàm răng sắc nhọn của con lươn sói. Nó bẹp dúm!

Khung cảnh tiếp theo không kém ghê sợ, con lươn sói bị đưa lên máy xẻ, cắt rời thân mình và thủy thủ quẳng cái đầu cá còn lại lên bàn mổ. Thí nghiệm thứ hai:

Vẫn là con lươn sói và lon Coca – nhưng lần này chỉ còn lại cái đầu. Đây là cảnh đoạn video được cắt ra, vẫn với tốc độ ấy, chỉ một tích tắc sau khi lon Coca được đưa vào miệng, bộ hàm của con lươn sói cắn phập nó. Bởi con cá thực ra đã bị chặt đầu, lần này lon Coca được gỡ ra dễ hơn. Thủy thủ nhét cái lon trở lại hàm con lươn sói, và nó tiếp tục đay nghiến cái lon một lần nữa cho tới khi bẹp dúm.

Video gốc về con lươn sói đăng trên Youtube bởi tài khoản Rúni Djurhuus

Đoạn video hoàn toàn là thật, nhưng chuyện quái gì đang diễn ra ở đây vậy? Trước khi đi giải mã hiện tượng này, chúng ta phải làm rõ một số vấn đề ở đây. Thứ nhất, con lươn sói này thực ra là cá hay lươn?

Không giống như cái tên của nó, lươn sói là cá chứ không phải lươn. Danh pháp khoa học đầy đủ của nó là Anarrhichthys ocellatus. Bởi hình dạng thuôn dài, loài cá họ cá sói sống ở Bắc Thái Bình Dương này thường bị nhầm là lươn, và người ta gọi luôn nó là lươn sói. Nhưng những con Anarrhichthys ocellatus có vây ở sau đầu, một đặc điểm khẳng định nó là cá vì những con lươn không hề có.

Trong đoạn video, Rúni Djurhuus đã gọi con cá là cá trê (catfish). Nhưng dưới đoạn mô tả Rúni Djurhuus lại ghi nó là một con lươn sói (wolf eel): “Đầu của một con lươn sói vẫn có thể cắn bạn ngay cả khi nó đã bị chặt đứt khỏi cơ thể“. Trên thực tế, nhiều người cũng đặt biệt danh cho Anarrhichthys ocellatus là cá trê biển hoặc cá sói.

Giải mã hiện tượng những sinh vật không chết dù đã bị chặt đầu - Ảnh 3.

Anarrhichthys ocellatus còn được gọi là lươn sói, cá sói, cá trê biển

Bây giờ là thời điểm cho những thắc mắc của bạn. Con lươn sói hay cá sói còn sống hay không, sau khi nó bị chặt đầu?

Trên thực tế, nhiều khả năng là nó đang lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Cá sói giống như các loài cá và lưỡng cư khác là động vật biến nhiệt, hay còn gọi là máu lạnh. Chúng không cần giữ một khoảng nhiệt độ cố định như 37 độ C như con người, vì vậy không mất năng lượng và oxy để sưởi ấm.

Điều này khiến những loài động vật máu lạnh có thể duy trì sự sống trong một khoảng thời gian ngắn sau khi bị chặt đầu. Giữa khoảnh khắc sống/chết đó, những dây thần kinh của con cá có thể vẫn hoạt động, và nó đã kích hoạt phản xạ vô điều kiện trên cơ hàm.

Phản xạ vô điều kiện là những phản xạ bẩm sinh của sinh vật, là cách chúng đáp ứng với kích thích từ môi trường ngoài mà không cần rèn luyện. Chẳng hạn như ở người, phản xạ thở hay đá chân khi bị đập vào xương bánh chè là phản xạ vô điều kiện.

Phản xạ vô điều kiện mang tính bản năng, có thể di truyền, nó tồn tại vĩnh viễn suốt đời sinh vật, thậm chí đến cả khi chúng gần chết, như trường hợp của con lươn sói này.

Giải mã hiện tượng những sinh vật không chết dù đã bị chặt đầu - Ảnh 4.

Con cá sói cắn lon Coca như một phản xạ vô điều kiện

Thí nghiệm với con lươn sói gợi nhớ lại một tai nạn xảy ra vào tháng 6 năm 2018, khi một người đàn ông ở Texas bị cắn bởi một con rắn đuôi chuông dù nó đã bị chặt đầu. Trung tâm Cảnh báo Khoa học và Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ khi đó đã viết một bài báo giải thích về hiện tượng.

Xác của những con rắn thường quằn quại một thời gian sau khi chúng chết“, Bruce Jayne, giáo sư sinh học tại Đại học Cincinnati cho biết. 

Nó có một phản xạ tương tự như một con gà không đầu có thể chạy xung quanh trong một thời gian ngắn. Cơ chế đằng sau hành vi kỳ lạ này là một hệ thống thần kinh được lập trình sẵn để thực hiện một số chuyển động nhất định mà không cần não gửi tín hiệu đến. Và đầu của một con rắn độc bị chặt rõ ràng đã được lập trình sẵn để cắn khi đáp lại một kích thích, chẳng hạn như khi một người nào đó đang cố nhặt nó lên“.

Và đó cũng là lý do tại sao rắn (và các loài bò sát khác) có thể tiếp tục di chuyển sau khi bị cắt đôi. Cơ thể chúng sẽ có phản xạ quằn quại, trong khi cái đầu có thể vẫn còn sống và giữ được phản xạ phòng thủ. Bạn có thể thấy trong video dưới đây, một con rắt đứt đầu, và cái đầu đã cố gắng cắn chính thân mình nó vì nhầm tưởng đó là kẻ thù:

Nhưng cuối cùng, chúng ta vẫn phải giải một nỗi oan cuối cùng cho loài lươn sói. Nó không phải là lươn, bạn đã biết, và nó cũng không có độc như những gì mô tả trên Reddit.

Trái với vết cắn khủng khiếp mà bạn đã thấy, loài cá sói không hề hung dữ với con người. Các thợ lặn biển đã xác nhận điều đó khi gặp chúng. Cá sói khá thân thiện, ít nhất là với con người. Bộ hàm chắc khỏe của chúng không chủ đích tấn công bất cứ ai, chỉ trừ nhím biển và trai, những sinh vật biển vỏ cứng là thức ăn của chúng.

Cá sói cũng rất chung thủy và có trách nhiệm với gia đình. Thông thường, chúng sẽ sống thành những cặp một vợ một chồng suốt đời, cùng giao phối và nuôi con. Ngôi nhà mà chúng chọn thường là những hốc đá lạnh lẽo dưới đáy Thái Bình Dương. Có lẽ tình cảm gia đình là điều tuyệt vời và ấm cúng nhất mà loài cá này có được ở đó!

Tham khảo Snopes, Sciencealert

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here