Giảm chi phí tiếp thị bằng website

0
17

Nếu ứng dụng tốt, thương mại điện tử sẽ là công cụ tiếp thị sản phẩm đắc lực và ít tốn kém nhất. Trong buổi tọa đàm về giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin tăng doanh số, giảm chi phí tổ chức ngày 7- 3, tại TPHCM, Công ty Nghiên cứu thị trường TNS Media VN công bố kết quả khảo sát của mình vào tháng 12-2008 mang nhiều yếu tố bất ngờ.

Giảm chi phí tiếp thị bằng website

 

Bình quân, thời gian truy cập internet của một người lên đến 30 – 40 phút/ngày, nhiều hơn thời gian đọc báo in. Như vậy, việc quảng bá sản phẩm trên không gian ảo hiện tác động đến người dùng nhiều hơn phương pháp truyền thống.

Bộ mặt ảo – hiệu ứng thật

Tận dụng internet còn là cách giới thiệu mình với các đối tác hiệu quả nhất. Ông Huỳnh Văn Rô, Tổng Giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, cho biết: “Lần đầu tiên đến giao dịch, nhiều đối tác nước ngoài đã mang theo những bản in giao diện website của chúng tôi. Họ bảo website là cánh cửa đầu tiên trong hành trình tìm hiểu và tiến hành hợp tác với các công ty ngoài quốc gia”.

Biết được thói quen của các thương nhân nước ngoài, Giấy Sài Gòn đã không ngại đầu tư cho “bộ mặt ảo” nhưng hiệu ứng thật website của công ty. Ngoài bộ phận quản trị mạng, điều hành website, các bộ phận khác như bán hàng, tiếp thị, kế hoạch sản xuất… đều có trách nhiệm cung cấp thông tin và góp ý cho website công ty.

Ông Rô khẳng định: “Đầu tư cho website nhiều như thế, song tính ra giá trị quảng bá mà nó mang lại vẫn rẻ hơn nhiều so với phương pháp quảng cáo truyền thống”. Chưa kể, việc in ấn, phát tờ rơi quảng cáo… còn có tác dụng không tốt đến môi trường khi người nhận vô tư xem xong rồi vứt bừa bãi.

Điểm đặc biệt là lượt người truy cập website của Công ty Giấy Sài Gòn, lượng khách mới viếng thăm, xuất xứ quốc gia khách truy cập, số người dùng từ khóa liên quan đến công ty trên các công cụ tìm kiếm…  đều được thống kê và báo cáo cụ thể.

“Chỉ với vài thao tác kỹ thuật giản đơn, song nếu không để ý đến những vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt này, người điều hành website sẽ không hiểu được khách hàng của mình quan tâm đến điều gì” – ông Rô nhận định. Khi đã hiểu được nhu cầu khách hàng với sản phẩm, người sản xuất sẽ dễ dàng hơn trong việc cung ứng.

Cơ hội ở phía trước

Khác với các trang bán lẻ, đối tượng bán hàng qua mạng mà những đơn vị sản xuất nhắm đến là các kênh tiêu thụ tại chỗ. Cụ thể, với sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh… của Giấy Sài Gòn, khách hàng là những công ty, các đơn vị cung ứng dịch vụ nhà hàng, khách sạn…

Do đó, việc cung cấp thông tin sản phẩm, phương thức thanh toán… trên website công ty cũng cần rõ ràng để người tiêu thụ, lúc này là một tập thể, có thể cân nhắc, chọn lựa. Dù đã có sẵn giỏ hàng, có các thông tin chi tiết lẫn hình ảnh từng sản phẩm cũng như mặc định sẵn phương thức giao dịch đặt hàng, thanh toán…, nhưng Giấy Sài Gòn vẫn chưa tiến đến việc bán hàng qua mạng.

“Biết rằng nhu cầu mua hàng qua mạng là có thật, song chúng tôi lo ngại công suất sản xuất của mình chưa đủ đáp ứng. Nếu tham gia thương mại điện tử (TMĐT) vào giai đoạn hiện nay mà phục vụ khách hàng không tốt, sẽ để lại ấn tượng xấu không chỉ cho công ty mà cho cả thói quen mua sắm sau này”- ông Huỳnh Văn Rô chia sẻ.

Không chỉ Giấy Sài Gòn mà nhiều đơn vị khác cũng có những khó khăn riêng để hoàn chỉnh quy trình tham gia TMĐT của mình. Đón được tín hiệu từ phía doanh nghiệp, Trung tâm An ninh mạng Athena vừa đưa vào hoạt động số điện thoại đường dây nóng 1900545456.

Đường dây nóng này sẵn sàng hỗ trợ miễn phí cho các doanh nghiệp cần tư vấn về những vấn đề TMĐT. Với điều kiện sẵn sàng như hiện nay, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, nhận xét cơ hội cho TMĐT VN đang ở phía trước.

Theo Phương Quyên

NLĐ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here