Việc mọi người vào Facebook, xem cập nhật trạng thái, bình luận,
“like” hay “share” gì đó không phải ngẫu nhiên. Tất cả đều có thể giải
thích bằng tâm lý học và khoa học. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra điểm
chung trong mọi hành động trên Facebook, từ “like”, đăng bài, chia sẻ,
bình luận. Có hàng tá loại tâm lý liên quan đến việc vì sao Facebook lại
gây “nghiện” đến như vậy.
Vì sao chúng ta yêu Facebook ?
Nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu thứ gì xảy ra trong bộ
não của chúng ta khi tương tác trên mạng xã hội mà cụ thể là Facebook.
Một nghiên cứu gần đây phát hiện kết nối mạnh mẽ giữa Facebook và trung
khu tưởng thưởng (reward brain centre). Đây là khu vực xử lý các cảm
giác liên quan đến những thứ như tình dục, thực phẩm, tiền và sự chấp
nhận xã hội. Khi chúng ta nhận phản hồi tích cực trên Facebook, cảm giác
đó thắp sáng trung khu này. Cường độ sử dụng Facebook càng cao, cảm
giác vui mừng càng tăng thêm.
Một nghiên cứu khác lại chỉ ra duyệt Facebook có thể mang lại cảm
giác phấn khích tột độ như khi tham gia vào dự án hay học thêm được kỹ
năng mới.
Vì sao chúng ta “Like” ?
Có lẽ hoạt động phổ biến nhất trên Facebook là bấm “like”. Theo định
nghĩa của mạng xã hội, “like” là một hình thức phản hồi tích cực hoặc
kết nối đến những thứ bạn quan tâm. Khi trung tâm nghiên cứu Pew khảo
sát hàng ngàn người Mỹ về đời sống mạng xã hội, họ phát hiện 44% người
dùng Facebook “like” nội dung của bạn bè ít nhất ngày một lần, còn 29%
làm vài lần mỗi ngày. Như vậy, điều gì khiến chúng ta “like” hay không
“like” một status, ảnh hay fanpage? Vài lí do được đưa ra như dưới đây:
1. Cái gật đầu nhanh chóng:
Có lẽ cách dễ nhất để biết “like” có ý nghĩa như thế nào với chúng ta
là ngừng “like”. Elan Morgan đã ngừng “like” trong 2 tuần để thử nghiệm
và chia sẻ trải nghiệm trên tạp chí Medium: “Like là cái gật đầu ủng hộ
trong căn phòng ồn ào. Đây là hình thức dễ nhất để nói “đúng”, “tôi
đồng ý”, “tôi cũng thế”. Tôi cảm thấy có tội vì không “like” vài thứ bởi
dường như sự vắng mặt của nút “like” có thể chuyển ngữ thành tôi bất
đồng ý kiến này. Nút “like” giúp tôi tiết kiệm vô số thời gian trong
nhiều năm qua khi phải bình luận một thứ gì đó”.
2. Xác nhận thứ gì đó về bản thân:
Một điều mà chúng ta thường không để ý khi dùng Facebook đó là nút
“like” có thể xác nhận thứ gì đó về bản thân. Trong nghiên cứu có sự
tham gia của 58.000 người, các nhà khoa học khám phá nút “like” có thể
tiên đoán một số đặc điểm mà người dùng không bộc lộ. Chẳng hạn, họ có
thể phán đoán chính xác ai là người Mỹ gốc Phi, ai thuộc Đảng Dân chủ
hay Đối lập, ai là người đồng tính…
3. Bày tỏ sự cảm thông:
Đôi khi, chúng ta dùng “like” để biểu đạt sự cảm thông, chia sẻ với
một ai đó và cách nghĩ của họ. Mạng xã hội là một cách để thu gom “sự
cảm thông ảo” và nó cũng có tác động đến thế giới thực, theo nghiên cứu
gần đây của Psychology Today.
4. Để nhận lại thứ gì đó:
Lý do mọi người like fanpage Facebook
Về nguyên nhân chúng ta “like” một fanpage, động lực cho hành động
này dễ giải thích: họ dựa theo lý do thực tiễn, như việc muốn nhận phiếu
giảm giá, cập nhật thường xuyên từ các công ty. Còn nguyên nhân chúng
ta không “like” fanpage là vì không muốn nhận quảng cáo, cho không thông
tin cá nhân, ảnh hưởng đến bạn bè…
Vì sao chúng ta bình luận ?
Câu trả lời rõ ràng: chúng ta có điều muốn nói. Moira Burke, người
đang khảo sát 1.200 người dùng Facebook, cho biết các tin nhắn cá nhân
mang lại sự thỏa mãn cao hơn cho người nhận thay vì “like”. Theo cô,
những người thường chat với nhau sẽ bớt cô đơn, còn những người hay nhận
được “like” thì không thay đổi.
Còn với Elan Morgan, người ngừng “like” trong 2 tuần, việc bình luận
nhiều hơn trên Facebook và không bấm “like” bừa bãi mang đến cho cô cảm
giác thư thái hơn. Nó giống như việc đã đuổi tất cả mọi người ồn ào ra
khỏi phòng.
Vì sao chúng ta cập nhật trạng thái ?
Những điểm mọi người không thích nhất trên Facebook. Nguồn: Pew Research Center
Nghiên cứu của Pew cho thấy dù chúng ta thường xuyên “like” hay bình
luận, trạng thái lại ít được cập nhật hơn. Chỉ có 10% người dùng
Facebook thay đổi status hàng ngày, 4% cập nhật vài lần mỗi ngày, 25%
không bao giờ thay đổi hay cập nhật trạng thái.
Đây là kết quả có lý nếu xét tới nghiên cứu này cũng chỉ ra sự chia
sẻ quá mức (oversharing) là một trong những điều phiền toái nhất của
Facebook. Có tới 36% không thích mọi người chia sẻ quá nhiều về bản thân
họ trên Facebook.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dành thời gian để cập nhật status. Đâu
là động lực của hành động này, chúng ta hi vọng thu về được gì từ đó?
Một số nguyên nhân khoa học được đưa ra như sau:
Đăng bài làm chúng ta có cảm giác kết nối
Các nhà nghiên cứu tại Đai học Arizona theo dõi một nhóm sinh viên và
đo lường “mức độ cô đơn” của họ khi đăng cập nhật trạng thái Facebook.
Họ phát hiện khi sinh viên cập nhật thường xuyên, họ có mức độ cô đơn
thấp hơn. Điều này đúng ngay cả khi không có ai “like” hay bình luận gì
vào cập nhật đó. Song, mặt trái của nó là nếu mọi người nhìn thấy không
ai “thèm” đoái hoài đến bài đăng của mình, họ sẽ bắt đầu cảm thấy lạc
lõng.
Vì sao chúng ta ngừng cập nhật ?
Các nhà nghiên cứu tại Facebook đã thực hiện một nghiên cứu về sự
kiểm duyệt (self-censorship, các bài đăng bạn viết nhưng không bao giờ
đăng). Trong 17 ngày, họ theo dõi hoạt động của 3,9 triệu người dùng và
chứng kiến 71% từng gõ ra ít nhất 1 status hoặc bình luận nhưng không
đăng lên (submit). Họ lý giải mọi người có xu hướng tự kiểm duyệt khi
cảm thấy khó xác định đối tượng độc giả. Xu hướng này giảm đi khi bình
luận trên bài đăng của người khác vì khi đó, đối tượng độc giả cụ thể
hơn.
Vì sao chúng ta chia sẻ ?
Vài năm trước, Thời báo New York thực hiện một nghiên cứu cụ thể về
lý do chúng ta chia sẻ và nó vẫn có giá trị đến bây giờ. Nghiên cứu xác
định 5 động lực chính khi chia sẻ:
– Đem nội dung có giá trị, giải trí đến người khác: 49% người tham
gia khảo sát trả lời chia sẻ giúp họ thông báo cho người khác về các sản
phẩm họ quan tâm và có thể thay đổi quan điểm, khuyến khích hành động.
– Định nghĩa bản thân: 68% trả lời muốn cho người khác biết mình là ai, mình quan tâm đến cái gì.
– Phát triển và nuôi dưỡng các mối quan hệ: 78% trả lời họ chia sẻ
trên mạng để giữ kết nối với mọi người mà họ không thường xuyên liên
lạc.
– Tự thỏa mãn: 69% chia sẻ vì nó cho họ cảm giác có liên quan trên thế giới.
– Ủng hộ: 84% chia sẻ vì đây là cách tốt nhất để bày tỏ sự ủng hộ đến vấn đề mà họ quan tâm.
Một khảo sát khác thực hiện trên phạm vi toàn cầu của Ipsos cũng chỉ ra phát hiện tương tự. Lý do mọi người chia sẻ gồm: chia sẻ
những điều thú vị (61%), chia sẻ điều quan trọng (43%), chia sẻ những
thứ vui vẻ (43%), cho mọi người biết tôi tin vào gì và tôi là ai (37%),
gợi ý dùng sản phẩm, dịch vụ… (30%), ủng hộ tổ chức, tôn giáo nào đó
(29%)…
Điều gì xảy ra khi chúng ta thờ ơ với Facebook ?
Mặt tối của Facebook là gì? Một số nghiên cứu chỉ ra Facebook làm
chúng ta cảm thấy cô đơn hơn, cô lập hơn, ghen tị với những cuộc sống
tưởng chừng hoàn hảo được “trưng” ra trên Facebook. Sự tiêu cực càng bộc
lộ rõ nét khi chúng ta trở thành người xem thụ động và không tham gia
vào những gì đang xảy ra.
Nghiên cứu năm 2010 của Đại học Carnegie Mellon cho thấy khi người
dùng gắn bó với Facebook qua đăng bài, bình luận, nhắn tin…, cảm giác cô
đơn của họ sẽ giảm đi. Tuy nhiên, khi họ thờ ơ, Facebook lại hoạt động
theo chiều ngược lại, gia tăng cảm giác cô đơn, lạc lõng.
Theo nhà nghiên cứu Moira Burke, sự thờ ơ trên Facebook có thể dẫn
đến sự trầm cảm. “Nếu hai người phụ nữ cùng nói chuyện với bạn bè trong
khoảng thời gian như nhau, nhưng một người dành nhiều thời gian để đọc
về bạn bè trên Facebook hơn, người đó có xu hướng ngày càng trầm cảm”.
Theo ICTnews